Tóc mẹ còn đây… (Hằng Nga)

Blog Radio 510: Khi mẹ nhớ con – mẹ gọi, khi con nhớ mẹ - mẹ ở đâu?


“Tóc mẹ còn đây
Tan trong lệ nóng
Sương mùa thu bay”

(Thơ Basho)

Những câu thơ nghẹn ngào, xúc động và buồn tênh. “Tóc mẹ còn đây” mà giờ này mẹ đã xa vời vợi, chỉ còn những giọt nước mắt nóng hổi, nghẹn ngào. Nỗi buồn tựa hồ như làn sương mỏng manh kia, nhẹ nhàng mà miên man không dứt. “Sương mùa thu bay” như quy luật tự nhiên ở đời. Bốn mùa xuân hạ thu đông rồi lại xuân, quy luật tuần hoàn, con người cũng không tránh khỏi vòng sinh lão bệnh tử.

Những ai đã từng trải qua nỗi đau mất mẹ mới hiểu được cảm giác đó xót xa đến nhường nào.

Lần đầu tiên đọc được những câu thơ của Basho được trích dẫn trong blog của cô giáo, lòng tôi bỗng nặng trĩu, nỗi buồn cứ từ từ xâm chiếm lấy tâm hồn. Mẹ của cô mới qua đời vì bệnh ung thư. Ngồi trò chuyện với cô vào một chiều cuối thu, tôi thấy đôi mắt cô hình như ươn ướt. Cô như chìm trong những ký ức về mẹ. Cô dặn chúng tôi hãy quan tâm, chăm sóc đến mẹ nhiều hơn.

“Mỗi khi con đau ốm, mẹ thường sốt sắng lo toan, nhưng khi mẹ đau, mẹ ốm thì lại rất hay giấu bệnh. Cha mẹ ở nhà thật sự rất nhớ con nhưng lại không dám gọi điện vì sợ làm phiền con. Vì thế các em nhớ thường xuyên gọi điện về cho bố mẹ, thỉnh thoảng thu xếp công việc để về với bố mẹ nhé. Các em cũng nên tự biết chăm sóc bản thân mình, đừng để mẹ lo lắng. Các em hạnh phúc hơn cô nhiều đấy. Bây giờ cô có muốn cũng chẳng có mẹ để chăm sóc nữa. Cô thèm lắm…”


Những câu nói của cô khiến chúng tôi ngậm ngùi. Chợt nhận ra thời gian và sự quan tâm mình dành cho mẹ sao quá ít ỏi. Chúng tôi cứ vin vào sự bận rộn làm cái cớ cho sự vô tâm của mình. Đến việc gọi điện về trò chuyện, hỏi han mẹ mấy câu cũng không làm được, toàn phải để mẹ chủ động gọi trước. Lắm khi mẹ gọi điện lúc tôi đang làm việc, tôi còn thấy mẹ sao phiền quá!

Blog Radio 510: Khi mẹ nhớ con – mẹ gọi, khi con nhớ mẹ - mẹ ở đâu?


Mẹ ở nhà lúc nào cũng đếm từng ngày, mong ngóng con trở về. Lúc nào mẹ tôi cũng dõi xem có những dịp nghỉ lễ nào không, rồi lại nhắn nhủ trước đó cả mấy tháng trời: “Được nghỉ nhớ về con nhé! Mẹ phần sẵn mấy con gà rồi”.

Thời buổi công nghệ phát triển, người ta tương tác với nhau qua mạng xã hội nhiều hơn cả ngoài đời. Chẳng hiểu từ bao giờ mà bố mẹ lại chỉ biết dõi theo chúng tôi qua những dòng trạng thái. Bố mẹ tôi ở quê học cách dùng smartphone, học cách dùng Facebook chỉ để xem chúng tôi hôm nay thế nào, buồn vui gì, sướng khổ gì. Từ bao giờ mà có chuyện gì tôi cũng viết lên mạng xã hội, thay vì chia sẻ với bố mẹ như trước kia. Từ bao giờ tôi đã quên rằng chỉ có bố mẹ mới là người thương tôi nhất.

Có một lần, tôi lâm vào tình huống dở khóc dở cười. Hôm đó vào Facebook, tự dưng thấy rất nhiều phản ứng phẫn nộ của mẹ dưới những status của tôi. Tôi vội vàng gọi điện hỏi: “Sao tự dưng mẹ phẫn nộ với con nhiều thế?” Mẹ mới cười bảo: “Thằng em nó nghịch đấy! Nó bảo làm như vậy thì chị mới chịu gọi về cho mẹ”. Tôi bần thần nghĩ ngợi, chợt nhận ra mình đã vô tâm với mẹ như thế nào.

Khi mẹ nhớ con, mẹ gọi, nhưng khi con nhớ mẹ, biết tìm mẹ ở đâu? Có những người dù rất muốn gọi cho mẹ một cuộc điện thoại cũng chẳng biết phải tìm mẹ ở đâu nữa. Tiền bạn có thể kiếm bất cứ lúc nào, nhưng người thân một khi đã mất đi sẽ không bao giờ trở lại được. Hiểu được điều đó bạn sẽ biết mình cần phải làm gì rồi, đúng không?

Một buổi chiều mùa thu, ngước lên nhìn bầu trời cao vời vợi, những câu thơ Haiku vẫn vảng vất mãi trong đầu:

“Đến đây nào với tôi
Cùng chơi đùa chim sẻ
Không còn mẹ trên đời”


(Thơ Issa)

“Không còn mẹ trên đời” – chỉ mới nghĩ đến thôi mà nước mắt đã tự trào ra lúc nào chẳng rõ.

© Nguyễn Hằng Nga – blogradio.vn